Công nghệ chưa thể thay thế nhân lực ngành Ngôn ngữ

26/03/2023 12:39

Thí sinh theo học ngành Ngôn ngữ sẽ được đào tạo các chuyên ngành cụ thể, gắn với nghề nghiệp sau khi ra trường.

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được diễn ra, thời điểm này ngoài chuẩn bị ôn tập, học sinh cũng đang chọn những hướng đi ngành nghề cho bản thân. Về phía các trường đại học phải sử dụng nhiều hình thức các nhau để truyền tải thông tin chương trình đào tạo đến các em.

Ngành nghiên cứu kén chọn thí sinh

Là hệ thống trường đào tạo ngành Khoa học xã hội được nhiều học sinh quan tâm, nhưng trả lời Người Đưa Tin, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho biết cũng có nhiều ngành rất kén người học như Tôn giáo, Chính trị học, Triết học, Lịch sử, mặc dù đây đều là ngành phục vụ cho hoạt động nghiên cứu vô cùng cần thiết.

“Các em sẽ được đào tạo để làm các vị trí của cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề tham mưu chính sách, những ngành đòi hỏi có sự am hiểu chuyên môn sâu thiên về nghiên cứu”, cô Hương bày tỏ.

Giáo dục - Công nghệ chưa thể thay thế nhân lực ngành Ngôn ngữ

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

Nhưng để tăng cơ hội việc làm, cũng như thu hút thí sinh theo học, ngoài những chính sách để hỗ trợ, chương trình đào tạo cũng được xây dựng mở rộng tính ứng dụng kiến thức vào cuộc sống.

Theo đó, cô Hương thông tin: “Ngành Sử học được phát triển học nghiên cứu về đô thị để sau khi ra trường các em có thêm kiến thức về điều chỉnh đô thị hoá. Hay ngành Triết học phát triển thêm học quản lý, ứng dụng kiến thức triết học về quản lý ứng dụng, những điều chỉnh như vậy là vô cùng cần thiết”.

Đối với việc chọn ngành, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương cũng cho rằng do xu thế phát triển như hiện nay, các em rất dễ dàng tìm kiếm thông tin trên mạng nhưng phải tỉnh táo có sự chọn lọc phù hợp. Nhiều trang mạng xã hội chỉ phục vụ mục đích tư vấn giật gân vì vậy cần lắng nghe những kênh tư vấn uy tín bởi chọn ngành, chọn nghề sẽ ảnh hưởng đến chính tương lại của bản thân mình.

Mỗi sự lựa chọn sẽ có ưu điểm khác nhau, nhưng thí sinh nên quan tâm đến ngành học, bởi ngành học sẽ gắn bó với nghề nghiệp sau này. 

Sau đó hãy chọn trường, trong số trường đào tạo ngành học đó mình sẽ ưu tiên chọn trường có chất lượng chuyên môn cao nhất làm nguyện vọng 1 và tiếp tục sắp xếp theo điều kiện cá nhân.

Giáo dục - Công nghệ chưa thể thay thế nhân lực ngành Ngôn ngữ (Hình 2).

Nhiều nhóm ngành đã thay đổi chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn (Ảnh: Hữu Thắng).

Phân chuyên ngành khi học ngành Ngôn ngữ

Khối ngành Ngôn ngữ cũng được thu hút nhiều thí sinh đăng ký, tuy nhiên các em cũng lo ngại rằng ngôn ngữ chỉ là phương tiện không phải là một nghề và hiện nay ngoại ngữ được hỗ trợ rất nhiều bởi các công cụ công nghệ.

Trả lời vấn đề này cô Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội chia sẻ: “Qua quá trình giảng dạy chúng tôi nhận thấy vẫn chỉ có số ít người Việt Nam làm chủ được ngoại ngữ và để làm việc có hiệu quả cần sự đào tạo bài bản chuyên nghiệp.

Các phần mềm dịch tự động chỉ hỗ trợ không thể thay thế hoàn toàn con người. Thậm chí nhiều ứng dụng khi dịch tài liệu phức tạp sẽ không thể chuyển tải nội dung chất lượng”.

Ngay cả đối với việc dịch nói, con người sẽ có những sắc thái cảm xúc mà máy, ứng dụng không thể truyển tải được. “Khi các em học ngành Ngôn ngữ đằng sau ngoại ngữ còn là nghề bởi có thể dùng ngoại ngữ như một công cụ học các ngành khác”, cô Phương bày tỏ.

Chuyên gia cũng cho rằng có rất nhiều trường đại học có những chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng ngoại ngữ hoặc tỉ lệ các môn học được giảng dạy bằng ngoại ngữ cao. Sau này, năng lực của sinh viên sẽ tốt và có những lợi thế vượt trội so với những người khác.

Cùng với đó, chương trình chuyên ngữ của các trường trên toàn quốc không chỉ học ngôn ngữ mà từ năm thứ 3 trở đi sẽ đi học những nhóm chuyên ngành như: Biên phiên dịch, Du lịch, Truyền thông, Sự phạm phân nhánh rất nhiều để các em có thể lựa chọn.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT năm 2023, điểm ưu tiên khu vực của các thí sinh sẽ được áp dụng có hiệu lực trong 2 năm liên tiếp từ năm thí sinh tốt nghiệp THPT.

Thí sinh cộng điểm ưu tiên (khu vực và đối tượng) vào điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc các kết quả khác để xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ có điều chỉnh giảm dần tuyến tính khi các em đạt được mức điểm giỏi từ 22,5 trở lên.

Bạn đang đọc bài viết "Công nghệ chưa thể thay thế nhân lực ngành Ngôn ngữ" tại chuyên mục VĂN HÓA - GIẢI TRÍ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).