Chế biến sâu, chuyện không của riêng ai

Việt Nam gần như không trồng được lúa mì nhưng lại xuất khẩu được bánh mì và các sản phẩm chế biến từ bột mì. Thậm chí, Việt Nam còn có những "vua bánh mì" và món bánh mì của Việt Nam được đưa vào từ điển của nhiều nước trên thế giới mà không cần phiên dịch.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động mới đây, ông Kao Siêu Lực - chủ thương hiệu bánh ABC Bakery, người được mệnh danh là "Vua bánh mì" - cho biết vừa nghiên cứu thành công dòng bánh trung thu để xuất khẩu sang Mỹ với thành phần chủ lực là nông sản nhập khẩu Mỹ, bao gồm lúa mì làm vỏ bánh; việt quất, hạnh nhân, phô-mai... làm nhân bánh. 

Theo ông Kao Siêu Lực, nếu xuất khẩu những dòng bánh trung thu đang bán ở trong nước thì thị trường sẽ rất hẹp, chỉ bán được cho cộng đồng người Việt hay người châu Á ở Mỹ. Do vậy, ông phải nghiên cứu công thức mới để phục vụ thị trường rộng lớn hơn.

Cách đây 7 năm, bánh mì xuất khẩu chỉ chiếm 2% tổng doanh thu của ABC Bakery nhưng nay đã tăng lên 25%-30%, cho thấy mảng xuất khẩu đã tăng trưởng rất tốt. Thị trường chính của ABC Bakery là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... với những yêu cầu khắt khe, nhất là khi đưa sản phẩm vào hệ thống khách sạn 5 sao.

Chế biến sâu, chuyện không của riêng ai - Ảnh 1.

Bánh xuất khẩu sang Mỹ với thành phần chủ lực là nông sản nhập khẩu Mỹ. Ảnh: Ngọc Ánh

Hay với sản phẩm hạt điều, Việt Nam đã vươn lên trở thành cường quốc chế biến điều nhân số 1 thế giới ngay cả khi nguyên liệu trong nước dần ít đi do cây điều bị lấn lướt bởi những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Dưới góc độ hội nhập kinh tế, việc mỗi nước chọn những mặt hàng, những khâu trong chuỗi cung ứng có lợi thế để tham gia là điều tất yếu để bảo đảm tính cạnh tranh. Thay vì cố gắng đầu tư để chủ động nguyên liệu tại chỗ, doanh nghiệp có thể đầu tư vào chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm và xuất khẩu sản phẩm ra toàn cầu.

Nhìn lại những ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, lúa gạo, sắn, cá tra..., có thể thấy dù thu về hàng tỉ USD nhưng chủ yếu xuất dưới dạng nguyên liệu, giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, đất đai sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam ngày càng thu hẹp nên rất khó lấy sản lượng làm lợi thế như những nước có quỹ đất rộng, có thể áp dụng tự động hóa để giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế.

Con đường tất yếu của Việt Nam là hướng đến chế biến tinh để nâng cao giá trị sản phẩm, tận dụng lao động có tay nghề tỉ mỉ, khéo léo với chi phí hợp lý để làm lợi thế cạnh tranh. Đầu tư vào chế biến sâu để gia tăng lợi nhuận cũng là cách mà ngành tôm Việt Nam đang thực hiện và khá thành công bởi thực tế, giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao hơn các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador...

Bài toán chế biến sâu không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà cả những nước có lợi thế về canh tác các mặt hàng nguyên liệu cũng phải đối mặt.

Link nội dung: https://tiepthiplus.vn/che-bien-sau-chuyen-khong-cua-rieng-ai-a79058.html