Việt Nam sẽ cần nhiều hơn nữa máy bay để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng không

21/09/2022 00:41

(Chinhphu.vn) - Theo dự báo của Boeing Việt Nam, Đông Nam Á là một trong những khu vực có ngành hàng không phát triển nhanh nhất. Trong vòng 20 năm tới, Đông Nam Á sẽ cần khoảng 4.255 máy bay mới và Việt Nam sẽ chiếm một tỉ trọng đáng kể trong số đó để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng.

Ông Tom Sanderson, Giám đốc Tiếp thị sản phẩm của Boeing toàn cầu cho biết, có một số tiền đề dẫn đến việc gia tăng đi lại bằng đường hàng không. 

Đầu tiên là sự gia tăng dân số. Hiện nay đã có 50% dân số thế giới sống ở thành thị và theo dự báo đến năm 2050 sẽ có 70% dân số thế giới sống tại các khu đô thị. Và xu thế đô thị hoá đó cũng làm gia tăng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không. 

Đi lại bằng đường hàng không cũng là động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là tại những khu vực phát triển kinh tế năng động như Đông Nam Á. Do đó, Boeing dự đoán đến năm 2050 các hoạt động đi lại bằng hàng không thương mại sẽ có quy mô thị trường khoảng 9.000 tỷ USD và sử dụng khoảng 180 triệu lao động trên toàn thế giới.

Ngoài ra, theo dự báo thì lưu lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không cũng sẽ tăng lên đến 10 tỷ hành khách/năm, từ đó cũng dẫn đến gia tăng số lượng hãng hàng không cũng như số lượng máy bay thương mại.

Tại Việt Nam, do tốc độ phát triển kinh tế và du lịch đang phục hồi tốt sau đại dịch COVID–19 nên có tiền đề rất tốt để phát triển hàng không về lượt hành khách, về sản lượng hàng hoá cần vận tải, cũng như số lượng máy bay. Về cơ bản, có thể nói tốc độ phát triển của hàng không Việt Nam trong những lĩnh vực nói trên tăng gấp 5-7 lần mức độ trung bình của khu vực.

Để có được những kết quả đó theo ông Tom Sanderson, ngành hàng không Việt Nam đã có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ trong các chính sách vĩ mô đến vi mô từ đó tạo tiền đề và động lực không chỉ cho sự hồi phục nhanh chóng mà còn cho sự phát triển bền vững của ngành trong thời gian tới.

Để phục vụ cho sự phát triển này, ông Tom Sanderson dự báo, số lượng máy bay ở Việt Nam cần phải thay thế mới sẽ tăng cao trong thời gian tới. Trước đó, trong nhiều chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các nước, đã có nhiều hợp đồng mua máy bay của các hàng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet… được ký kết với các đối tác nước ngoài.

Để cùng tham gia vào bảo vệ môi trường, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Tom Sanderson đã chia sẻ những chính sách mà Boeing đang hướng tới trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, một thị trường đầy tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Với mong muốn kiến tạo một tương lai bền vững, Boeing, khách hàng và các Chính phủ trên toàn cầu đã nhất trí cam kết thực hiện tham vọng về chống biến đổi khí hậu, cũng như ủng hộ cam kết ngành hàng không dân dụng sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cụ thể, hướng đến việc cân bằng phát thải trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm hàng không, từ việc sử dụng và vận hành máy bay đến việc vận tải và phân phối nhiên liệu cũng như mọi hoạt động khác trong ngành hàng không.

Về cơ bản, theo quan điểm của Boeing thì có bốn trụ cột cho việc đạt được cân bằng phát thải carbon là: Đổi mới đội bay; nâng cao hiệu quả hoạt động; sử dụng nhiên liệu tái tạo; và ứng dụng các công nghệ hiện đại.

Về đổi mới đội bay: Mỗi thế hệ máy bay mới có thể giảm thêm 15% đến 25% lượng nhiên liệu tiêu thụ cũng như khí thải. Việc triển khai toàn diện các máy bay thế hệ mới nhất chính là đóng góp quan trọng nhất giúp giảm phát thải CO2 trong thập kỷ tới. Nhiều đối tác khách hàng đã đẩy nhanh việc loại biên các máy bay cũ trong thời kỳ đại dịch và tối ưu hoá đội bay bằng các mẫu máy bay mới nhất, hiệu quả nhất. Dự báo Triển vọng thị trường thương mại mới phát hành của Boeing cho thấy có đến 49% trong số 41.170 máy bay được trang bị mới nhằm mục đích thay thế đội bay.

Ví dụ, dòng máy bay 737 MAX tận dụng thiết kế khí động học tiên tiến và động cơ hiệu suất cao để giảm lượng nhiên liệu sử dụng và phát thải đến 20%, giảm 50% tiếng ồn so với các máy bay được thay thế. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm chiếc 737-10 sẽ xả thải ít hơn 1,7 triệu pound khí CO2 so với đối thủ cùng phân khúc và ít hơn 12,5 triệu pound khí CO2 so với các máy bay mà nó thay thế.

Về hiệu suất khai thác (nâng cao hiệu quả hoạt động): Ngành hàng không đã và đang không ngừng hợp tác với các bên liên quan để khai thác vận tải hàng không hiệu quả hơn, giúp giảm đến 10% tổng lượng khí thải. Boeing hợp tác trong các quy trình như phương pháp tiếp cận hạ cánh liên tục (CDA) và nâng cấp thiết bị gồm cả định vị GPS trên nhiều đường bay thẳng hơn nữa. Boeing cũng phát triển các dịch vụ nhằm khai thác dữ liệu để tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả hơn, giúp khách hàng tối ưu hoá kế hoạch bay và cung cấp thông tin thời tiết và không lưu theo thời gian thực cho phi công.

Liên quan đến sử dụng năng lượng tái tạo: Trên lộ trình năng lượng tái tạo, Boeing tin rằng năng lượng trong tương lai sẽ là giải pháp kết hợp giữa SAF và các loại năng lượng khác, chứ không phải là chỉ chọn một trong hai. Năng lượng hàng không bền vững (SAF) là giải pháp thay thế tức thời duy nhất cho nhiên liệu phản lực truyền thống khả dụng trên các máy bay hiện hữu, đồng thời cũng phát thải carbon thấp hơn đáng kể trong suốt vòng đời sản phẩm.

Về ứng dụng công nghệ tiên tiến: Boeing tin rằng tương lai của ngành hàng không sẽ là sự kết hợp giữa các thiết kế kỹ thuật số tối tân, công cụ sản xuất, khung máy bay, công nghệ và hệ thống phản lực, ngoài ra thì các giải pháp năng lượng và nhiên liệu đa dạng cũng sẽ được áp dụng tuỳ theo phân khúc thị trường và kích cỡ máy bay. Trên con đường tiếp cận giải pháp kết hợp giữa SAF và các loại năng lượng khác, Boeing không ngừng thúc đẩy tính an toàn và khả thi của các nguồn năng lượng tái tạo khác và tính khả dụng trên máy bay.

Để cụ thể hóa những yêu cầu trên, Boeing đã triển khai chương trình ecoDemonstrator 2022 bằng cách áp dụng các công nghệ mới và thử nghiệm trong môi trường hoạt động. Tính cả nền tảng mới năm nay, chương trình đã thử nghiệm khoảng 230 công nghệ giúp khử carbon trong ngành hàng không, cải thiện hiệu quả suất khai thác và nâng cao an toàn cũng như trải nghiệm của hành khách. Khoảng một phần ba số công nghệ được thử nghiệm đã phát triển thành các sản phẩm và dịch vụ của Boeing.

Chương trình ecoDemonstrator 2022 sẽ thử nghiệm khoảng 30 công nghệ bền vững trên chiếc 777-200ER thuộc sở hữu của Boeing, bay bằng hỗn hợp pha trộn giữa nhiên liệu hàng không bền vững và nhiên liệu máy bay truyền thống theo tỉ lệ 30/70. Trước đây, EcoDemonstrator đã thử nghiệm các cánh nhỏ công nghệ tiên tiến trên 737 MAX giúp tiết kiệm nhiên liệu và sử dụng hệ thống laser có thể phát hiện nhiễu động không khí chính xác và thiết bị hạ cánh được thiết kế để giảm tiếng ồn.

Minh Thi


Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam sẽ cần nhiều hơn nữa máy bay để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng không" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).