Học phí đại học năm 2023: Nhiều trường tăng mạnh

31/03/2023 20:20

Sau hai năm không điều chỉnh, nhiều đại học dự kiến tăng thu học phí năm tới với mức tăng phổ biến 10-15%.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên thành hơn 500.000 đồng/tín chỉ với khóa tuyển mới sắp tới. Với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng mỗi tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu đồng.

Học viện Tài chính dự kiến mức học phí 22 - 24 triệu đồng/năm với các ngành đào tạo chương trình chuẩn (tăng 10 - 20% so với hiện tại). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48 - 50 triệu.

Đại học Điện lực đưa ra mức học phí năm tới 16 - 18 triệu đồng/năm học (tăng 14% so với năm trước).

Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến tăng trung bình 2 triệu đồng học phí, tùy theo từng ngành học.

Đại học Mở Hà Nội, Y tế công cộng, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo học phí năm học 2023-2024 của 12 khoa, trường thành viên được thu theo Nghị định 81. Theo đó, mức trần học phí năm học tới với đại học công lập chưa tự chủ khoảng 13 - 28 triệu đồng, tăng 13 - 50%. Với các trường tự chủ, học phí tối đa có thể gấp 2,5 lần mức trên.

Đại học Công nghệ Tp.HCM tăng học phí bình quân dự kiến 5,3 - 6 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 16 - 18 triệu đồng/học kỳ. Riêng ngành Dược học, sinh viên phải đóng 6 - 6,5 triệu đồng/tháng, tương đương 18 - 20 triệu đồng/học kỳ. Nhà trường cho biết đơn giá học phí của một tín chỉ được giữ nguyên trong suốt năm học và có thể thay đổi vào năm tiếp theo (không vượt quá 7%/năm).

Năm nay, Đại học Kinh tế Tp.HCM chỉ công bố đơn giá cho mỗi tín chỉ đào tạo. Theo đó, tại cơ sở Tp.HCM, năm đầu tiên, sinh viên hệ chính quy khóa 49 (nhập học năm 2023) sẽ phải đóng 940.000 đồng/tín chỉ, năm thứ 2 là 1,1 triệu đồng/tín chỉ, năm thứ 3 là 1,24 triệu đồng/tín chỉ và năm thứ 4 là 1,4 triệu đồng/tín chỉ

Đối với các học phần giảng dạy bằng tiếng Anh, mức học phí tín chỉ gấp 1,4 lần so với các học phần giảng dạy bằng tiếng Việt. Đối với các học phần thực hành, đồ án, thực tế… mức học phí tín chỉ gấp 1,2 lần so với học phần lý thuyết.

Được biết, năm 2022, học phí dự kiến của Đại học Kinh tế Tp.HCM dao động 830.000-940.000 đồng/tín chỉ trong 4 năm học (tương đương 30-34,5 triệu đồng/năm). Trong khi đó, năm học 2021-2022, học phí dao động 715.000-950.000 đồng/tín chỉ (tương đương 22,5-29,9 triệu đồng/năm).

Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Tp.HCM) quyết định mức học phí 30 triệu đồng/năm với chương trình trình chuẩn. Mức này tăng 2,5 triệu đồng so với mức dự kiến năm ngoái.

Đại học FPT tăng học phí chính khóa là 28,7 triệu đồng/học kỳ, tương đương cả năm 57,4 triệu đồng/năm học. Trong khi đó, năm 2020 và 2021, sinh viên phải đóng 25,3 triệu đồng/học kỳ, năm học 2022 và 2023, học phí là 27,3 triệu đồng/học kỳ.

Khoa Y, Đại học Quốc gia Tp.HCM tăng thu học phí tăng theo lộ trình. Cụ thể, năm học tới, học phí các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Dược học là 55,2 triệu đồng/năm (tăng 6,2 triệu đồng so với năm học trước). Riêng ngành Điều dưỡng có mức học phí 41,8 triệu đồng/năm (tăng 4,8 triệu đồng so với năm học trước).

Đại học Ngân hàng Tp.HCM dự kiến chương trình đại học chính quy chuẩn có mức học phí 7,05 triệu đồng/học kỳ (tăng nhẹ so với mức dự kiến năm ngoái). Chương trình đại học chính quy chất lượng cao 17.922.500 đồng/học kỳ. Trong khi đó, tổng học phí tối đa chương trình đại học chính quy quốc tế cấp song bằng, học phí chương trình liên kết đào tạo quốc tế do đại học đối tác cấp bằng giữ nguyên 212,5 triệu đồng/toàn khóa học (đã bao gồm học phí tiếng Anh, chương trình chính khóa, kỹ năng mềm...). Sinh viên học 8 học kỳ, học phí trung bình 26,5 triệu đồng/học kỳ.

Năm học 2022-2023, Đại học Luật Tp.HCM thông báo giữ nguyên mức thu học phí như năm học 2021-2022. Như vậy, 3 năm qua, học phí của trường ở mức 18 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, đến năm 2023-2024, nếu không có gì thay đổi, nhà trường sẽ tăng mức thu theo Đề án học phí của năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị tự chủ đại học năm 2022, cả nước có 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định.

Qua thống kê số liệu quyết toán giai đoạn 2016 - 2021 của Bộ GD&ĐT, về cơ bản nguồn thu chi cho con người (bao gồm cả chi thu nhập tăng thêm và chi vượt giờ) chiếm tỉ trọng trên 50% trên tổng chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo đại học và sau đại học.

Chi đầu tư cơ sở vật chất chiếm tỉ trọng 7%, chi chế độ cho học sinh, sinh viên chiếm tỉ trọng khoảng 4%, chi trích lập các quỹ chiếm tỉ trọng 10%, chi đào tạo khác chiếm tỉ trọng 25 - 26% tổng chi.

Trúc Chi (theo VTC News, Tuổi Trẻ, Zing)

Bạn đang đọc bài viết "Học phí đại học năm 2023: Nhiều trường tăng mạnh" tại chuyên mục VĂN HÓA - GIẢI TRÍ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).