Pacific Airlines trả toàn bộ tàu bay để xoá nợ, Vietnam Airlines (HVN) tiếp tục phải "đèo bòng"

20/03/2024 17:34

Với việc trả lại toàn bộ 6 máy bay A320, Pacific Airlines đã được các chủ tàu xóa khoản nợ 220 triệu USD (khoảng 5.000 tỷ đồng). Không sở hữu bất kỳ tàu bay nào, hãng hàng không giá rẻ này buộc phải nhờ đến sự “cứu trợ” từ công ty mẹ là Vietnam Airlines. Nhiều khả năng, Pacific Airlines sẽ thuê lại 3 tàu bay của Vietnam Airlines để đảm bảo điều kiện tối thiểu duy trì giấy phép kinh doanh.

Trong thông báo phát đi mới đây, Pacific Airlines - hãng hàng không giá rẻ thuộc hệ sinh thái Vietnam Airlines cho biết đã trả toàn bộ số máy bay đã thuê và được xoá nợ. Đây là một phần chiến lược trong quá trình tái cơ cấu của Pacific Airlines.

"Hiện Pacific Airlines đã thỏa thuận với các chủ tàu xóa được các khoản công nợ khoảng 220 triệu USD (tương đương hơn 5.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, hãng phải thực hiện cam kết trả toàn bộ đội tàu A320 cho các chủ tàu”, đại diện Pacific Airlines thông tin.

Pacific Airlines trả toàn bộ tàu bay để xoá nợ, Vietnam Airlines (HVN) tiếp tục phải
Pacific Airlines phải trả toàn bộ tàu bay để xoá nợ

Trước đó, ngày 18/3, hãng hãng không này đã dừng hoạt động, chuẩn bị đưa tàu sang nước ngoài để đảm bảo điều kiện trả tàu bay.

Liên quan đến vấn đề này, Pacific Airlines cho biết, việc đàm phán với chủ tàu bay đều được thực hiện theo kế hoạch từ trước. Do đó, hãng đã chủ động phối hợp cùng Vietnam Airlines để chuyển toàn bộ hành khách đã mua vé trên chuyến bay Pacific Airlines khai thác sang chuyến bay của Vietnam Airlines. Công tác này đã được hoàn thành trong tuần đầu tháng 3.

Theo lộ trình tái cấu trúc đội bay, Pacific Airlines sẽ thuê máy bay của Vietnam Airlines để nâng cao hiệu quả hoạt động của hãng, cũng như tối ưu hóa nguồn lực trong hệ sinh thái. Được biết, hai bên đã trao đổi và đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để hoàn thành thỏa thuận, sớm đưa máy bay vào khai thác phục vụ hành khách. Nhiều khả năng, Pacific Airlines sẽ nhận 3 tàu của Vietnam Airlines. Đây cũng là điều kiện tối thiểu với một hãng hàng không để duy trì giấy phép kinh doanh trong ngành.

Ngoài ra, phía Vietnam Airlines cũng sẽ hỗ trợ và phối hợp với công ty con trong việc sử dụng chung một số cơ sở hạ tầng, nguồn lực phục vụ hành khách như quầy thủ tục, phương tiện phục vụ mặt đất…

Trong thời gian ngừng khai thác bay, Pacific Airlines vẫn tiếp tục duy trì lực lượng thường trực tại các điểm tiếp xúc với hành khách như sân bay, phòng vé, tổng đài chăm sóc khách hàng… nhằm tiếp nhận và xử lý ngay các yêu cầu phát sinh của hành khách.

Đại diện Pacific Airlines nói thêm, tái cơ cấu doanh nghiệp là một trong những giải pháp tự thân hữu hiệu, được nhiều hãng bay trên thế giới và Việt Nam áp dụng trong bối cảnh ngành hàng không phải đương đầu với những ảnh hưởng nặng nề và dai dẳng mà đại dịch COVID-19 để lại.

Với việc xóa được số nợ “khủng” từ chủ tàu, Pacific Airlines kỳ vọng nhà đầu tư mới sẽ có cơ hội lớn hơn tham gia tái cơ cấu hãng hãng không này. Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ, hãng hàng không đã có hai lần tái cơ cấu bất thành.

Khó khăn bộn bề sau hai lần tái cơ cấu bất thành

Thành lập năm 1991, Pacific Airlines là hãng hàng không cổ phần đầu tiên tại Việt Nam, đồng sở hữu bởi Vietnam Airlines và Saigontourist, có tổng số vốn ban đầu là 40 tỷ đồng.

Đầu năm 2005, sau một thời gian dài kinh doanh thua lỗ, Chính phủ đã yêu cầu chuyển 86,49% vốn Nhà nước tại Pacific Airlines về Bộ Tài chính quản lý và tái cơ cấu. Đến tháng 8/2006, số vốn này tiếp tục chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Để tái cơ cấu hoạt động của Pacific Airlines, Chính phủ đồng ý bán gần 30% cổ phần của Pacific Airlines cho Tập đoàn Qantas (Úc). Ban đầu, “đại gia” hàng không Úc chi khoảng 50 triệu USD để cho 18% cổ phần của Pacific Airlines, sau đó nâng mức đầu tư lên 30% rồi đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines.

Ngày 2/5/2007, hãng hàng không giá rẻ, cũng là hãng bay đầu tiên của Việt Nam có sự đầu tư của nhà đầu tư ngoại ra đời. Tuy nhiên, sự xuất hiện của “gã khổng lồ” Qantas vẫn không đủ thể khiến Jetstar Pacific “làm nên chuyện” khi mà hãng hàng không Việt Nam sau đó phải đối mặt với cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 - 2009. Cộng thêm nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Jetstar Pacific tiếp tục chìm trong khó khăn, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản. Giai đoạn 2005 - 2011, tổng lỗ lũy kế của hãng lên đến 2.100 tỷ đồng. Cuối năm 2011, hãng hàng không này mất khả năng thanh toán với vốn chủ sở hữu âm trên 600 tỷ, lỗ lũy kế gần 2.500 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn Nhà nước tại SCIC và thực hiện tái cơ cấu lần thứ hai đối với Jetstar Pacific. Sau đó, hãng bay này đã dần giảm lỗ và ghi nhận lãi trong hai năm liên tiếp 2018 - 2019.

Song niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi đại dịch COVID-19 ập đến và giáng một đòn nặng nề lên ngành hàng không toàn cầu, năm 2020, Qantas Group hoàn tất thủ tục tặng lại 30% cổ phần tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines và rút lui sau 13 năm kinh doanh không hiệu quả.

Pacific Airlines trả toàn bộ tàu bay để xoá nợ, Vietnam Airlines (HVN) tiếp tục phải
Vietnam Airlines đã tìm nhà đầu tư mới cho Pacific Airlines nhưng không thành công

98,8% cổ phần nằm trong tay Vietnam Airline, Jetstar Pacific trở về với thương hiệu cũ Pacific Airlines, nhưng cùng logo và bộ nhận diện mới. Sau khi nhận lại toàn bộ cổ phần từ Qantas vào 2022, Vietnam Airlines đã tìm nhà đầu tư mới cho Pacific Airlines và cũng được số bên quan tâm nhưng công cuộc thoái vốn tại công ty con vẫn chưa thể thực hiện, do vướng một số quy định và thị trường hàng không vài năm qua không thuận lợi.

Năm 2022, báo cáo thường niên của Vietnam Airlines ghi nhận Pacific Airlines lỗ trước thuế 2.096 tỷ đồng. Ước tính, lỗ lũy kế của hãng hàng không giá rẻ này đến cuối năm 2022 đã lên hơn 10.700 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 6.700 tỷ đồng. Chưa kể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tại ngày 31/12/2022, Pacific Airlines đang nợ ACV hơn 874 tỷ đồng.

Gánh nặng của Vietnam Airlines?

Theo các chuyên gia, việc Pacific Airlines trả toàn bộ tàu bay có thể khiến thị trường hàng không nội địa thêm khó khăn thời gian tới, nhất là vào dịp cao điểm hè khi tải ghế cung ứng không đủ đáp ứng nhu cầu hành khách.

Cần biết, các hãng bay trong nước cũng đang rất thiếu máy bay. Nếu như năm ngoái, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 230 chiếc thì đến nay chỉ còn khoảng 170 chiếc. Đội bay của Vietnam Airlines, Vietjet Air phải dừng khai thác hơn 30 chiếc A321 - tàu bay chủ lực trên thị trường nội địa để bảo dưỡng, sửa chữa động cơ. Trong khi đó, Bamboo Airways giảm hơn 20 tàu so với năm ngoái sau khi tái cấu trúc doanh nghiệp.

Giai đoạn cao điểm Tết vừa qua, giảm tải cung ứng do thiếu tàu bay cũng là một trong những nguyên nhân khiến vé máy bay trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

Theo lãnh đạo một hãng bay trong nước, hiện không dễ thuê thêm tàu bay trong bối cảnh nhu cầu lớn trên thế giới đẩy giá lên cao. Nếu như trước đây chủ tàu bay có thể giãn, hoãn tiền thuê cho các hãng hàng không khó khăn tài chính vì lý do đại dịch thì giờ đây họ sẽ đòi lại tàu khi bị chậm trả tiền.

Trong bối cảnh đó, Pacific Airlines được xem là một gánh nặng cho công ty mẹ là Vietnam Airlines khi mà hãng hàng không quốc gia cũng đang phải “gồng mình” để vượt qua khó khăn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 , hãng bay này đã trở lại tình trạng kinh doanh dưới giá vốn sau 9 tháng khắc phục. Luỹ kế năm 2023, Vietnam Airlines lỗ 5.517 tỷ đồng. Mặc dù khoản lỗ này đã giảm hơn một nửa so với năm 2022 nhưng đây đã là năm thứ 4 liên tiếp hãng bay hàng không quốc gia thua lỗ. Điều này đã khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới cuối năm 2023 âm 40.957 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của âm 16.945 tỷ đồng.

Pacific Airlines trả toàn bộ tàu bay để xoá nợ, Vietnam Airlines (HVN) tiếp tục phải
Kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines thời gian gần đây

Tuy nhiên, việc thoái vốn tại Pacific Airlines lại không hề đơn giản. Theo quy định tại Nghị định số 91/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines - doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở lên - không thể thoái vốn tại các doanh nghiệp đang bị lỗ, lỗ lũy kế, ảnh hưởng đến vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Điều đó đồng nghĩa với việc để được thoái vốn, hoạt động kinh doanh của Pacific Airlines phải có 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh hiện tại của Pacific Airlines, đây dường như là một điều ngoài tầm với.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính đã cân nhắc sửa đổi tại Nghị định 91 để gỡ vướng cho Vietnam Airlines và các trường hợp khác. Tuy nhiên, do dự thảo Nghị định sửa đổi mới đang trong quá trình lấy ý kiến, tổng hợp trước khi trình lên Chính phủ để được xem xét thông qua, thời gian tới Vietnam Airlines vẫn sẽ phải “đèo bòng” Pacific Airlines.

Thủ tướng yêu cầu trình đề án gỡ khó cho Vietnam Airlines trong tháng 2

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước được giao trong tháng 2 trình Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ...

Vietnam Airlines (HVN): Hoạt động kinh doanh đã hồi phục 80-90%, muốn tăng vốn điều lệ trong năm nay

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay, hoạt động kinh doanh của hãng hàng không quốc gia đã phục hồi 80-90% đồng thời đề nghị được ...

Bạn đang đọc bài viết "Pacific Airlines trả toàn bộ tàu bay để xoá nợ, Vietnam Airlines (HVN) tiếp tục phải "đèo bòng"" tại chuyên mục NHÀ ĐẤT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).