Tp.HCM: Chấn chỉnh hoạt động ngoại khóa từ ồn ào của một trường THCS

01/04/2023 16:21

Qua sự việc gây xôn xao dư luận ở Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn), các cấp quản lý giáo dục của Tp.HCM đã vào cuộc.

Chủ trương đúng, thực hiện sai

Ngày 31/3, trao đổi với Người Đưa Tin về vụ việc “mỗi học sinh đi tham quan ngoại khóa, giáo viên chủ nhiệm nhận 10.000 đồng từ công ty du lịch” ở Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Tp.HCM Hồ Tấn Minh cho biết, Sở đã phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn yêu cầu tạm ngưng và chấn chỉnh lại việc tổ chức chương trình ngoại khóa đối với trường này. 

Ông Minh cũng khẳng định, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động cần thiết cho hoạt động giáo dục để hình thành và phát triển năng lực phẩm chất của học sinh. Quá trình tổ chức cần được sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh.

Với các hoạt động trải nghiệm, nhà trường phải xây dựng kế hoạch và thực hiện theo các hướng dẫn của Sở GD&ĐT Tp.HCM cũng như của Phòng GD&ĐT cấp huyện đối với các trường từ bậc THCS trở xuống.

Để giúp các trường thực hiện việc này, Sở GD&ĐT Tp.HCM vừa ban hành văn bản hướng dẫn về chuyên môn trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm.

Giáo dục - Tp.HCM: Chấn chỉnh hoạt động ngoại khóa từ ồn ào của một trường THCS

Cách tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh của Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn, Tp.HCM là bài học cho các đơn vị trường học.

Trước đó, theo phản ánh của nhiều giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, thông qua công ty du lịch, nhà trường sẽ tổ chức chuyến đi ngoại khóa cho học sinh lớp 6, 7 của trường vào ngày 24/4.

Địa điểm đi ngoại khóa là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bến Nhà Rồng và công viên nước Đầm Sen. Kinh phí mỗi học sinh cần đóng 400.000 đồng gồm các chi phí xe đưa đón, tham quan, ăn trưa...

Mỗi học sinh tham gia, giáo viên sẽ được bồi dưỡng 10.000 đồng, lớp nào sĩ số đi ít sẽ xem xét đánh giá đối với giáo viên chủ nhiệm trong quý 2/2023. Thông tin này được lan truyền trên mạng xã hội và gây xôn xao dư luận.

Đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM đánh giá, kế hoạch cho học sinh tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và Công viên nước Đầm Sen là hoạt động nằm trong chương trình giáo dục địa phương, nhằm hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho học sinh khám phá và trải nghiệm nội dung học tập của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường có thu phí, phải thực hiện trên nguyên tắc có sự đồng thuận với phụ huynh học sinh.

“Việc trường tổ chức tham quan trải nghiệm đúng nhưng cách thức thực hiện sai, không bình thường. Hiệu trưởng quy định việc huy động học sinh tham gia hoạt động này vào tiêu chí đánh giá thi đua quý đối với giáo viên dù cho rằng để giáo viên cố gắng thực hiện thì cũng gây áp lực với giáo viên. Hiệu trưởng nhà trường cần rút kinh nghiệm”, ông Minh nói.

Riêng về nội dung hiệu trưởng thông báo mỗi giáo viên nhận bồi dưỡng 10.000 đồng/học sinh tham gia để thực hiện tính minh bạch, công khai khoản hỗ trợ của công ty tổ chức là không đúng. Nhà trường có thể lấy khoản này hỗ trợ kinh phí cho những học sinh chưa có điều kiện tham gia để tăng thêm số lượng học sinh có thể tiếp cận với hoạt động tham quan, trải nghiệm.

Tiền “lại quả” chỉ là hiểu lầm?

Xác nhận với Người Đưa Tin, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo Trường THCS Nguyễn Văn Bứa dừng chuyến đi ngoại khóa sẽ được tổ chức cho học sinh lớp 6 và 7 của trường này vào tháng 4 tới, trước thông tin phản ánh giáo viên của trường được “lại quả” 10.000 đồng/học sinh tham gia.

Ngày 30/3, Phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn có công văn đề nghị Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bứa thông tin đến phụ huynh, học sinh, Hội đồng trường đồng thời có báo cáo giải trình gửi Trưởng phòng GD&ĐT về vụ việc trên.

Sau sự việc, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Rộn, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bứa giải trình sự việc.

Trong giải trình của mình, ông Nguyễn Văn Rộn, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bứa nêu rõ: “Kế hoạch giáo dục của nhà trường có phần tham quan học tập trải nghiệm (khối 7 mới triển khai dạy học môn Giáo dục địa phương ở học kỳ 2). Việc tổ chức tham quan học tập này nhằm mục đích tìm hiểu lịch sử, kiến trúc, văn hóa trong bảo tàng...”.

Hiệu trưởng này khẳng định “học sinh tham gia hoàn toàn tự nguyện”. Tham gia chương trình, học sinh sẽ làm bài kiểm tra. Cụ thể, câu hỏi sẽ phát trước cho học sinh trên xe, sau đó các em trải nghiệm thực tế, trả lời và nộp lại lấy điểm. Trường hợp em nào không đi thì vẫn có câu hỏi theo chương trình giảng dạy tại lớp.

“Hoạt động ngoại khóa này cũng được Ban giám hiệu bàn bạc, thống nhất và tập thể đều biết. Nhà trường cũng thông tin rộng rãi trên trang web, zalo nội bộ của trường và gửi thư báo cho từng phụ huynh học sinh, thông qua giáo viên chủ nhiệm. Hiện tại, đã có 756 học sinh đăng ký tham gia”, trích giải trình của ông Nguyễn Văn Rộn, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bứa.

Còn việc công ty du lịch chi hỗ trợ 10.000đ/học sinh cho giáo viên chủ nhiệm là hợp lý, người đứng đầu Trường THCS Nguyễn Văn Bứa cho rằng: “Vì giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ quản lý học sinh cùng công ty. Việc này không có ý "lại quả" như một số cơ quan báo chí thông tin”.

Về nội dung tin nhắn liên quan đến xem xét đánh giá quý 2/2023 đối với giáo viên chủ nhiệm, ông Rộn nhìn nhận: “Mục đích là để nhắc nhở, khuyến khích giáo viên chủ nhiệm cố gắng, tích cực trong hoạt động ngoại khóa để được xem xét trong đánh giá quý. Quyền lợi luôn đi đôi với nghĩa vụ, nhà trường muốn giáo viên sẽ thực hiện hết sức, tránh sự qua loa, làm cho có, thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, nội dung tin nhắn lại lọt ra bên ngoài, gây ra nhiều sự hiểu nhầm đáng tiếc”.

Đầu tháng 3/2023, Sở GD&ĐT Tp.HCM có văn bản gửi các đơn vị giáo dục toàn Thành phố này về việc thực hiện rà soát chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Tp.HCM.

Theo Sở GD&ĐT Tp.HCM, đối với hoạt động ngoài giờ chính khóa, Sở đề nghị thủ trưởng các đơn vị rà soát, triển khai thực hiện các nội dung theo quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Tp.HCM về tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cho học sinh, sinh viên.

Các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với những mục tiêu, nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông; chú trọng công tác an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức; hạn chế tổ chức toàn trường, nhiều khối hoặc quá đông học sinh trong cùng một thời điểm.

Đối với các hoạt động giáo dục thuộc chương trình, kế hoạch giáo dục do các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt. Theo đó, Sở GD&ĐT Tp.HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện hoạt động giáo dục trải nghiệm ngoài nhà trường theo đúng các bản quy định, trong quá trình tổ chức, cần đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia. Đặc biệt, với bậc tiểu học, các cơ sở giáo dục không tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh ra khỏi Tp.HCM.

Bạn đang đọc bài viết "Tp.HCM: Chấn chỉnh hoạt động ngoại khóa từ ồn ào của một trường THCS" tại chuyên mục VĂN HÓA - GIẢI TRÍ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).