Tuyển sinh đại học 2023: Xét tuyển bằng học bạ THPT vẫn chiếm ưu thế

14/02/2023 17:18

Đến nay, phần lớn các trường đại học đều công bố tuyển sinh dựa vào điểm học bạ THPT. Điều này là quyền tự chủ của các trường nhưng cũng có ý kiến trái chiều.

Xu hướng ngày càng phổ biến

Trong mùa tuyển sinh năm 2023, tính đến thời điểm này, nhiều trường đại học trên cả nước vẫn ưu tiên phương thức xét học bạ THPT. Tại phía Nam, Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Tp.HCM, ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có điểm trung bình 3 năm THPT thuộc nhóm 3 học sinh cao nhất, học lực giỏi và hạnh kiểm tốt.

Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM dự kiến xét tuyển khoảng 30-40% tổng chỉ tiêu. Cơ sở chính chỉ xét tuyển đối với các thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2023, dựa trên điểm trung bình của 5 học kỳ (lớp 10, 11, học kỳ 1 lớp 12). Mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 6 điểm trở lên.

Tương tự, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM xét tuyển bằng kết quả học tập theo tổ hợp môn, áp dụng 30-40% chỉ tiêu ngành (chương trình chuẩn, chất lượng cao) và 40-50% chỉ tiêu (chương trình cử nhân tài năng).

Hàng loạt các trường như Đại học Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Đại học Hồng Bàng, Đại học Thái Bình Dương, Đại học Công nghệ Tp.HCM, Đại học Sài Gòn, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long,….cũng công bố xét tuyển học bạ THPT năm 2023 là phương thức có chỉ tiêu lớn.

Giáo dục - Tuyển sinh đại học 2023: Xét tuyển bằng học bạ THPT vẫn chiếm ưu thế

Phương thức tuyển sinh đại học bằng kết quả học tập THPT đang được nhiều trường đại học lựa chọn để tăng nguồn thí sinh đầu vào.

Đặc biệt, sau nhiều năm bỏ xét tuyển học bạ, năm nay, Trường Đại học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) lại quay về xét tuyển bằng phương thức này, chiếm 40% tổng chỉ tiêu. Trong khi đó, năm 2018, trường này tuyển sinh phương thức học bạ THPT với chỉ tiêu chiếm 30% nhưng qua năm 2019 thì không áp dụng nữa.

Tương tự, học bạ dần trở thành phương thức xét tuyển chủ đạo của Trường Đại học Phạm Văn Đồng khi năm nay trường dành đến 70% chỉ tiêu xét học bạ. Không chỉ các trường đại học, ngay cả các đại học vùng như Tp.Đà Nẵng, Tp.Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng đẩy mạnh xét tuyển theo phương thức này.

Về việc tăng chỉ tiêu xét học bạ những năm qua, ông Phan Phiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT chung đề, chung đáp án sẽ cho ra kết quả công bằng nhất. Trong khi đó, học bạ mỗi trường đánh giá khác nhau, không có thang đo chung. Tuy nhiên, trong điều kiện trường mới thành lập, mức độ cạnh tranh với các trường lớn thực sự khá khó khăn, trường buộc phải sử dụng phương thức xét học bạ để có thể tuyển đủ chỉ tiêu".

Tương tự, ông Ngô Hồng Điệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) cho rằng: "Trường chúng tôi chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với các trường thuộc đại học quốc gia hay các trường đại học lớn trong việc thu hút thí sinh. Hơn nữa, tâm lý học sinh vẫn thích về học tại Tp.HCM hơn ở tỉnh. Do đó, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển không tăng, nếu không đa dạng phương thức sẽ khó tuyển sinh. Học bạ là phương thức giúp học sinh an tâm. Khi không trúng tuyển ở các trường đại học lớn khác, thí sinh sẽ quay về nhập học", ông Điệp nói.

Câu hỏi về chất lượng sinh viên đầu vào

Xu hướng tuyển sinh đại học bằng phương thức xét học bạ THPT trong những năm qua đã tạo ra dư luận về việc “làm đẹp” học bạ từ cấp THPT. Đánh giá về hiện tượng này, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Tp.HCM cho rằng, xét tuyển đại học bằng học bạ là hình thức thuận tiện phổ biến.

Tuy nhiên, nên có trung tâm khảo thí độc lập cho bậc phổ thông, khi đó kết quả sẽ chính xác và khách quan, đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Hiện nay, khi mỗi giáo viên, mỗi trường có cách đánh giá khác nhau thì việc xét học bạ dẫn đến tình trạng không công bằng.

Còn PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM nhận xét, kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng các năm qua ghi nhận quá nhiều học sinh có học bạ giỏi và xuất sắc. Vì thế, cần phải đặt vấn đề, phải chăng việc các trường đại học tăng cường tuyển sinh xét học bạ đã làm chất lượng học của học sinh "tăng lên", thể hiện qua điểm số tại trường phổ thông?

"Thực chất là chất lượng giáo dục phổ thông có tăng lên đến mức vậy hay không? Tôi nghĩ câu trả lời có ở tất cả trong từng gia đình, trong từng thầy cô giáo và học sinh. Việc các trường phổ thông đều đạt tỉ lệ đến 50% học sinh đạt học lực giỏi không phải là điều đáng mừng, mà đáng lo", ông Hồng nói.

Vấn đề này cũng đã được lãnh đạo một số trường đại học nhìn ra và điều chỉnh tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ THPT.

Theo đề án tuyển sinh 2023 của nhiều trường đại học, chỉ tiêu xét học bạ năm nay ở một số trường giảm khoảng 5 đến 30% so với năm trước. Một số trường điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét học bạ như Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM hay Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Tp.HCM.

Lý giải về việc giảm chỉ tiêu xét học bạ, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Tp.HCM cho biết, chỉ tiêu xét học bạ của trường năm nay được điều chỉnh giảm 20 - 30% vì kết quả học bạ ngày càng "ảo".

Theo ông Sơn, vì các trường xét học bạ nhiều nên trường phổ thông cũng "tích cực" nâng điểm học sinh. Có những thí sinh có điểm học bạ 8 nhưng điểm thi tốt nghiệp chỉ 4-5. Năm nay trường tăng gấp 3 đối với chỉ tiêu xét điểm đánh giá năng lực, tăng khoảng 20% chỉ tiêu cho xét điểm tốt nghiệp THPT.

Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT nhận định, phương thức xét tuyển học bạ là không công bằng với các thí sinh. Việc xét tuyển dựa vào học bạ sẽ không công bằng khi mỗi trường đánh giá khác nhau.

“Nhiều trường xét học bạ học sinh trong top 200, 300 trường phổ thông có điểm thi tốt nghiệp cao nhất. Điều này cũng không công bằng, bởi có những thí sinh giỏi nhưng lại không học ở các trường đó", ông Tùng dẫn chứng.

Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra

Đầu tháng 2/2023, Bộ GD&ĐT đã có công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ THPT vì khả năng xuất hiện tiêu cực nảy sinh như "chạy điểm", "làm đẹp" học bạ.

Trong công văn, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường THPT phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện, năm 2022, các trường đại học dành khoảng 240.000 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ và xét tuyển kết hợp học bạ với các tiêu chí khác, chiếm 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học. Tỷ lệ nhập học của phương thức xét học bạ là 36,2%, cao thứ hai trong 18 phương thức, chỉ sau xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (52,3%).

Bạn đang đọc bài viết "Tuyển sinh đại học 2023: Xét tuyển bằng học bạ THPT vẫn chiếm ưu thế" tại chuyên mục VĂN HÓA - GIẢI TRÍ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).