'Đoàn tàu đặc biệt' Huế - Đà Nẵng và kỳ vọng tăng tốc của Đường sắt Việt Nam

28/03/2024 13:33

Đoàn tàu ‘kết nối di sản miền Trung’ mỗi ngày sẽ chạy 2 chuyến vào sáng và chiều từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại. Đây là sản phẩm mới trong chuỗi kinh doanh vận tải kết hợp du lịch của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, với nhiều đổi mới để bỏ lại giai đoạn thua lỗ.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP Đà Nẵng vừa phối hợp tổ chức khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế – Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”.

Đoàn tàu gồm 5 toa xe ghế mềm điều hoà hiện đại và 1 toa xe sinh hoạt cộng đồng hứa hẹn sẽ là điểm check- in di động ấn tượng đối với du khách. Tại Ga Đà Nẵng và Ga Huế, ngành đường sắt cũng bố trí phòng chờ VIP để phục vụ hành khách. Trên hành trình, du khách còn được thưởng thức ẩm thực đặc sắc của địa phương.

Cung đường sắt qua Hải Vân hùng vĩ nối Huế - Đà Nẵng, nơi các đoàn tàu chạy rất chậm là trả nghiệm thú vị với du khách. Ảnh: VNExpress
Cung đường sắt qua Hải Vân hùng vĩ nối Huế - Đà Nẵng, nơi các đoàn tàu chạy rất chậm là trả nghiệm thú vị với du khách. Ảnh: VNExpress

Với thời gian di chuyển khoảng 3 giờ đồng hồ, đoàn tàu sẽ đưa du khách đi qua đèo Hải Vân – nơi được mệnh danh là "thiên hạ đệ nhất hùng quan" để đến với Đà Nẵng – nơi sở hữu bờ biển dài được tôn vinh là một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh. Và ở chiều ngược lại, du khách sẽ được đặt chân đến miền đất di sản cố đô Huế. Từ trên tàu, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp, nơi giao thoa giữa 2 miền Nam – Bắc với một bên là dãy Trường Sơn trùng điệp, một bên là biển cả mênh mông.

Hàng ngày, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức 2 đôi tàu mang số hiệu HĐ1/2 và HĐ3/4 giữa Huế - Đà Nẵng. Tại Huế, tàu HĐ1 xuất phát tại Ga Huế lúc 7h4', đến ga Đà Nẵng lúc 10h35; tàu HĐ3 xuất phát tại Ga Huế lúc 14h25 đến Ga Đà Nẵng 17h40. Tại Đà Nẵng, tàu HĐ2 xuất phát tại Ga Đà Nẵng lúc 7h50 đến Ga Huế lúc 11h05; tàu HĐ4 xuất phát tại Ga Đà Nẵng lúc 15h đến Ga Huế 17h45.

Với 2 đoàn tàu xuất phát vào buổi sáng và chiều từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, du khách có thể đón bình minh và hoàng hôn trên vịnh Lăng Cô – một trong những vịnh biển đẹp nhất, trên hành trình đẹp nhất thế giới.

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho biết, việc đưa vào khai thác đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung” là một trong những nỗ lực kết nối vùng, quảng bá du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng và là sản phẩm mới, tiếp tục cho những sản phẩm kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, một phân khúc trải nghiệm, du lịch, lịch sử, văn hóa, di sản, độc đáo và thú vị mà ngành Đường sắt Việt Nam đang triển khai.

Tổng công ty đường sắt Việt Nam làm ăn ra sao?

Theo số liệu mới nhất, năm 2023, doanh thu toàn Tổng công ty đạt 8.503,8 tỷ đồng, đạt 101,8% kế hoạch năm 2023 và bằng 106,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu Công ty mẹ đạt 6.247 tỷ đồng, bằng 113,2% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 4,5 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch năm 2023 (năm 2022 lỗ 173 tỷ đồng).

Những kết quả khả quan này có được nhờ một loạt các giải pháp phù hợp để khắc phục khó khăn, cải thiện dòng tiền và khôi phục sản xuất kinh doanh như đẩy mạnh khai thác các đoàn tàu hàng chuyên tuyến, tàu hàng nhanh, container và chạy thêm đoàn tàu liên vận quốc tế; tổ chức các đoàn tàu vận tải hành khách chất lượng cao. Kết thúc năm tài chính 2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chính thức bước ra khỏi “vòng xoáy” thua lỗ.

Liên quan đến doanh nghiệp này, mới đây, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã ký Quyết định số 782/QĐ – UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Đại diện chủ sở hữu giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt tổng doanh thu 39.544 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế -866,6 tỷ đồng trong đó giai đoạn 2021-2022 là -1.193,7 tỷ đồng, giai đoạn 2023-2025 là 322,8 tỷ đồng. Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt tổng doanh thu 26.190 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế -1.237 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2021-2022 là -1.250 tỷ đồng, giai đoạn 2023-2025 là 13 tỷ đồng.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 cho dự án nhóm A, B toàn Tổng công ty là 2.590,6 tỷ đồng. Dự án nhóm C của Công ty mẹ là bình quân 70 tỷ đồng/năm từ năm 2024-2025.

Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hướng đến mục tiêu phục vụ theo nhu cầu hành khách, tập quán tiêu dùng, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích, thuận lợi và đa dạng hóa dịch vụ vận tải trong vận chuyển hành khách; triển khai phương thức bán vé linh hoạt.

Trước đó, là một trong số các doanh nghiệp vận tải chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid -19, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam liên tục phải ghi nhận những khoản lỗ lớn trong suốt giai đoạn 2020 – 2022.

Nợ thuế kéo dài, Văn phòng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bị cưỡng chế tài khoản

Cục Thuế Đà Nẵng mới đây đã ban hành quyết định cưỡng chế tài khoản đối với Văn phòng Tổng công ty Đường sắt Việt ...

Ngành đường sắt muốn tái cơ cấu nhằm thoát lỗ hằng năm và tiến đến việc có lãi

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa chính thức trình Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê ...

Bạn đang đọc bài viết "'Đoàn tàu đặc biệt' Huế - Đà Nẵng và kỳ vọng tăng tốc của Đường sắt Việt Nam" tại chuyên mục NHÀ ĐẤT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).