Một nhà băng cam kết ‘bơm’ 20.000 tỷ đồng cho Đèo Cả trong 4 năm

29/03/2024 14:36

Khoản tín dụng khổng lồ này sẽ được phân bổ cho Đèo Cả trong các năm, giai đoạn 2024 – 2027 để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông.

Ngày 28/3, Tập đoàn Đèo Cả và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) – Chi nhánh Lâm Đồng đã ký kết thỏa thuận hợp tác về tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Hai bên thống nhất hợp tác tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cho các Dự án đầu tư hạ tầng giao thông do Tập đoàn Đèo Cả tham gia đầu tư. Cụ thể, các dự án thực hiện thuộc danh mục được vay vốn và đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Theo thỏa thuận, tổng mức vốn cung ứng dự kiến giai đoạn từ năm 2024-2027 khoảng 20.000 tỷ đồng, được phân bổ một theo các năm. Trong đó, năm 2024 dự kiến khoảng 1.400 tỷ đồng, năm 2025 khoảng 3.500 tỷ đồng, năm 2026 là 9.600 tỷ đồng và năm 2027 dự kiến khoảng 5.500 tỷ đồng.

Nhu cầu vay vốn thực tế sẽ được Tập đoàn Đèo Cả thông báo cho Chi nhánh VDB Lâm Đồng ngay sau khi các dự án được cấp có thẩm quyền Phê duyệt chủ trương đầu tư.

Lễ ký kết giữa Tập đoàn Đèo Cả và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ảnh: Deoca.vn
Lễ ký kết giữa Tập đoàn Đèo Cả và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ảnh: Deoca.vn

Chi nhánh VDB Lâm Đồng sẽ thực hiện trách nhiệm thu xếp và đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn vốn tín dụng đầu tư của nhà nước đối với các dự án do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư; cung cấp cam kết tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng dự án. Đồng thời, phối hợp với Tập đoàn Đèo Cả báo cáo Ngân hàng VDB tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp nhận thẩm định cho vay, giải ngân và thu nợ các dự án.

Chiều ngược lại, Tập đoàn Đèo Cả có trách nhiệm cung cấp cho Chi nhánh VDB Lâm Đồng danh mục dự án đầu tư, nhu cầu vốn vay dự kiến, tình hình và tiến độ triển khai của các dự án đầu tư ngay khi dự án có chủ trương đầu tư được phê duyệt.

Đèo Cả cũng thực hiện đầy đủ các quy định về vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; thực hiện đầu tư và quản lý khai thác dự án có hiệu quả, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ đầy đủ, đúng hạn: Gốc, lãi, phí (nếu có)… và các quy định khác theo hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay và các thỏa thuận khác được ký giữa hai bên.

Đón dòng vốn nghìn tỷ vào dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh?

Trong số các dự án cao tốc Đèo Cả tham gia, có tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Mới đây, liên danh nhà đầu tư đề xuất việc đầu tư hoàn thiện, nâng quy mô toàn tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh lên 4 làn xe sẽ được thực hiện bằng dự án độc lập (dự án giai đoạn 2) và được tách thành 2 dự án thành phần. Theo đó, ngân sách nhà nước cần bổ sung thêm 8.243 tỷ đồng.

Trong đề xuất của mình, Liên danh nhà đầu tư cũng đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) xem xét cho vay 1.452 tỷ đồng cho dự án thành phần 2.

Cụ thể, Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư và xây dựng ICV Việt Nam - Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) - Công ty CP xây dựng công trình 568 vừa có văn bản số 313/2024/DCG gửi Ban QLDA đầu tư xây dựng các CTGT tỉnh Cao Bằng về phương án đầu tư đồng bộ toàn tuyến đường bộ cao tốc cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo quy mô hoàn chỉnh bằng phương thức PPP.

Đề xuất của liên danh nhà đầu tư xuất phát từ chỉ đạo của Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với ngay các địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải. Trong đó, tập trung đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc 2 làn xe.

Sơ bộ tổng mức đầu tư theo đề xuất của Liên danh Đèo Cả
Sơ bộ tổng mức đầu tư theo đề xuất của Liên danh Đèo Cả

Doanh nghiệp dự án cũng đang thực hiện các thủ tục ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án giai đoạn 1 với ngân hàng VPBank trị giá 2.500 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong tháng 4/2024. Nhà đầu tư đề xuất tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 1 theo hợp đồng dự án được ký kết giữa các bên.

Việc đầu tư hoàn thiện toàn tuyến sẽ được thực hiện bằng dự án độc lập (dự án giai đoạn 2) theo phương thức PPP và được tách thành 2 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư dự án thành phần 2 là khoảng 5.608 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước tham gia 70% tổng mức đầu tư (khoảng 3.900 tỷ đồng).

Nhà đầu tư thu xếp vốn chủ sở hữu và vốn khác là 30% tổng mức đầu tư (khoảng 1.708 tỷ đồng). Thời gian hoàn vốn của dự án thành phần 2 là 41 năm 7 tháng.

Từ những phân tích kể trên, liên danh nhà đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Cao Bằng báo cáo Chính phủ, Quốc hội bố trí bổ sung phần vốn ngân sách nhà nước cho dự án thành phần 1 là 4.343 tỷ đồng và cho dự án thành phần 2 là 3.900 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn ngân sách nhà nước đề nghị bổ sung là 8.243 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Một nhà băng cam kết ‘bơm’ 20.000 tỷ đồng cho Đèo Cả trong 4 năm" tại chuyên mục NHÀ ĐẤT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline 0944.40.40.50 hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).